DeFi là gì? Hiểu về DeFi theo cách đơn giản nhất

DeFi là gì? Hiểu về DeFi theo cách đơn giản nhất

DeFi đã có một năm 2021 bùng nổ, trở thành một khái niệm cực kỳ phổ biến trong thị trường Crypto. Vậy DeFi là gì? DeFi hoạt động như thế nào? Liệu DeFi có đang tác động đến bạn?

Cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.

1. DeFi là gì?

DeFi là viết tắt của Decentralized Finance – Tài chính phi tập trung, dùng để nói về nền tài chính được xây dựng và phát triển trên công nghệ Blockchain, với thành phần bao gồm các tài sản số, hợp đồng thông minh, các ứng dụng, giao thức, các dịch vụ tài chính.

Tính phi tập trung chính là sức mạnh của công nghệ blockchain, cho phép mọi thông tin, dữ liệu được phân tán và mã hóa mà không bị phụ thuộc vào đơn vị trung gian nào, nhờ đó tạo ra tính minh bạch và sự bảo mật gần như tuyệt đối. Các nền tảng/giao thức tài chính phi tập trung cho phép mọi người truy cập và sử dụng ở bất kỳ đâu, bất kỳ khi nào mà không chịu sự chi phối bởi cá nhân, tổ chức tập trung quyền lực nào cả.

Hiện nay, hầu hết các dự án DeFi là các giao thức phần mềm chạy trên một nền tảng blockchain khác – thường là Ethereum hoặc Cosmos. Các giao thức DeFi thiết lập và sử dụng đồng tiền điện tử của chính nó, như một phương tiện để tự động hóa các dịch vụ tài chính mà giao thức đó khởi chạy.

2. Ưu điểm của DeFi so với nền tài chính truyền thống

Người dùng “thực sự” kiểm soát tài sản của mình

Ngày nay, nhiều ngân hàng đưa ra cam kết sẽ cung cấp nhiều quyền kiểm soát hơn cho người dùng, nhưng trên thực tế, bạn vẫn phải trao tài sản của mình cho họ và hi vọng chúng sẽ được quản lý thật tốt. Sự ra đời của các ứng dụng tài chính phi tập trung mở ra kỷ nguyên nơi người dùng có quyền kiểm soát tuyệt đối với tài sản của mình mà không có sự can thiệp của bên thứ ba nào, qua đó giảm thiểu được các rủi ro tập trung.

Tối ưu tốc độ và chi phí

Việc sử dụng blockchain làm nền tảng công nghệ và loại bỏ các bên trung gian giúp tốc độ thực hiện các giao dịch và thanh toán trên dApp trở nên nhanh chóng hơn, đồng thời cũng làm giảm bớt chi phí liên quan đến những hoạt động này. Theo các số liệu của World Bank’s RPW và Deloitte, trong khi phí chuyển tiền trong hệ thống tài chính truyền thống có mức trung bình là 7%, thì đối với hệ thống tài chính phi tập trung, con số này chỉ là 3%.

Khả năng tiếp cận lớn hơn

Trong hệ thống tài chính truyền thống, có hàng tá rào cản khiến việc tiếp cận với các dịch vụ tài chính của một người trở nên khó khăn hơn, có thể kể ra như địa vị xã hội, năng lực tài chính hay khoảng cách về địa lý. Với tài chính phi tập trung, những điều kể trên sẽ không còn là thách thức. Chỉ cần kết nối internet và một chiếc smartphone, bất kỳ ai cũng có thể sử dụng các dịch vụ tài chính trên các dApp.

3. Các ứng dụng của DeFi

Trong DeFi – tài chính phi tập trung – có đầy đủ các hoạt động của nền tài chính thông thường như gửi tiết kiệm, cho vay, đi vay, giao dịch, chuyển khoản, nợ, thanh toán hóa đơn,… Khác biệt so với nền tài chính truyền thống là, thay vì được xử lý thông qua 1 bên thứ 3 trung gian, thì các hoạt động tài chính này được diễn ra trên các Smart Contract (hợp đồng thông minh) của blockchain.

Mục này giúp bạn phân loại các danh mục khác nhau đối với DeFi, là cơ sở giúp bạn xây dựng và đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình:

Vay và cho vay (Lending & Borrowing)

Tiền điện tử (thuộc DeFi) cho phép người dùng vay và cho vay một cách phi tập trung, loại bỏ sự phụ thuộc vào bên thứ ba. Nhờ việc được xác thực bởi các đoạn mã thay vì các hợp đồng giấy, các dự án vay/cho vay này có thể tự động hóa các thông số về hạn mức và lãi suất vay, đồng thời có thể thiết lập thanh lý tự động nếu số dư giảm xuống dưới tỷ lệ tài sản thế chấp quy định.

Sàn giao dịch phi tập trung (Decentralized Exchanges, hay còn gọi tắt là sàn DEX)

Các sàn giao dịch phi tập trung (DEX) cho phép người dùng trao đổi tài sản số, tiền điện tử mà không cần người trung gian; cho phép diễn ra các giao dịch ngang hàng (peer-to-peer). Tại sàn DEX, người dùng thường có thể chuyển đổi tiền điện tử ngay lập tức mà không cần truy cập vào sổ lệnh (order book). 

Ngoài ra, nhờ có sàn DEX, tiền của người dùng không cần phụ thuộc vào các bên quản lý tập trung như ngân hàng hay sàn truyền thống. Thay vào đó, chúng được giữ trong ví cá nhân, tăng tính riêng tư cho những người sử dụng DEX.

Phái sinh (Derivatives)

Thị trường phái sinh là nơi người mua và người bán trao đổi các hợp đồng dựa trên giá trị tương lai dự kiến của một tài sản. Những tài sản này có thể là bất cứ thứ gì, từ tiền điện tử đến kết quả sự kiện trong tương lai cho đến cổ phiếu và trái phiếu trong thế giới thực.

Các ứng dụng khác

Ngoài các ứng dụng phổ biến kể trên, bất cứ hoạt động nào ở nền tài chính truyền thống đều có thể xuất hiện trên DeFi, bao gồm thanh toán, tín dụng, tiền tệ, bảo hiểm, tài sản tổng hợp,…

4. Các nền tảng DeFi phổ biến

Trên thế giới, những giao thức DeFi đã phát triển thịnh hành với một số nền tảng đình đám như Kyber Network, Uniswap, 0x hay Gnosis. Tại Việt Nam, DeFi ngày càng trở nên phổ biến nhờ những cái tên quen thuộc như Coin98 (C98), KardiaChain (KAI) hay Bami DeFi (BAMI). 

Trên ứng dụng VNDC Wallet, DeFi cũng là danh mục tài sản được quan tâm nhiều nhất, thể hiện qua lượng tìm kiếm, nghiên cứu và khối lượng giao dịch đối với các tài sản thuộc nhóm này.

Để tham gia tìm hiểu và giao dịch các tài sản DeFi phổ biến nhất, người dùng vui lòng truy cập ứng dụng VNDC, chọn tính năng Đầu tư và tìm kiếm theo chủ đề DeFi. Thông qua đó, người dùng có thể theo dõi biến động giá của tài sản qua các khung thời gian, tìm hiểu thông tin, tin tức của tài sản và dựa vào các bộ công cụ được tích hợp sẵn để dễ dàng ra quyết định đầu tư. 

Thu Giang Reading is growing, sharing is caring.